< Lập trình tân binh | 2.3. Màu sắc và phông nền

2.3. Màu sắc và phông nền

Chúng ta tiếp tục hành trình 360 vòng quanh thế giới CSS. Trong bài học này, chúng ta sẽ quan tâm các thuộc tính ít nhiều liên quan đến màu sắc của trang web. Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những vấn đề sau :

  • Làm sao thay đổi màu cùa văn bản.
  • Làm sao sử dụng màu sắc hoặc hình ảnh làm phông nền.
  • Cách để thêm hiệu ứng đổ bóng.
  • Thao tác với hiệu ứng trong suốt.

Yên tâm, nhiều điều bất ngờ thú vị đang chờ chúng ta phía trước.

Màu của văn bản

Chúng ta đã từng nhắc đến thuộc tính cần dùng trong bài học trước, đó là thuộc tính color. Cái mà chúng ta muốn tìm hiểu trong bài này chính là cách thức sử dụng nó, và đương nhiên nó không đơn thuẩn chỉ có 1 cách sử dụng đơn giản.

Sử dụng tên của màu sắc

Cách thức sử dụng đơn giản và thực dụng nhất của thuộc tính này là cách sử dụng tên của màu sắc chúng ta muốn dùng (đương nhiên là bằng tiếng Anh rồi).

Khuyết điểm của cách thức này đó là CSS chỉ có thể thống nhất được tên của 16 màu sắc được cho là “tiêu chuẩn” cho tất cả các trình duyệt. Bên cạnh 16 màu này đương nhiên vẫn còn 1 số màu sắc khác nhưng chúng được hiển thị khác nhau tùy vào trình duyệt chúng ta sử dụng. Vậy nên tôi sẽ cố tránh và chỉ nhắc đến các màu “tiêu chuẩn”.

Dưới đây là 16 màu chúng ta có thể có được khi cung cấp tên chúng cho CSS.

Bạn nào hứng thú thì có thể học thuộc lòng, cũng không quá khó khăn. Thậm chí việc học thuộc còn giúp chúng ta luyện tiếng Anh nữa.

Và đây là đoạn mã để viết tiêu đề bằng màu nâu hạt dẻ.

h1 {
    color: maroon;
}

Sử dụng mã thập lục phân

16 màu cũng không thể nói là nhiều vì nó chỉ giống như hạt cát khi so với số lượng 16 triệu màu có thể được hiển thị bởi màn hình máy tính. Thêm vào đó, sẽ chẳng ai rỗi hơi đi đặt tên cho cả 16 triệu màu đó được.

Thật may là với CSS, chúng ta có 1 cách khác để chọn ra từng màu trong 16 triệu màu nói trên.

Trước tiên thì chúng ta cần biết chút ít kiến thức về hệ thập lục phân. Hệ này được dùng khá nhiều trong thế giới Web.

Tên của 1 màu trong hệ thập lục phân sẽ có dạng như sau : #EF5368. Nói đơn giản thì đây là chuỗi ký tự gồm số và chữ dùng để định danh màu sắc. Kiểu mã màu này sẽ luôn bắt đầu bằng dấu # và tiếp đó là 6 ký tự chữ số từ 0 tới 9 hoặc chữ cái từ A đến F.

Các chữ và số này đi theo cặp : 2 ký tự đầu chỉ sắc thái của màu đỏ, 2 ký tự tiếp theo là sắc thái của màu xanh lục và 2 ký tự cuối là dành cho màu xanh lam. Các bạn đều biết ít nhiều về quang phổ ánh sáng nhỉ. Khi trộn các sắc thái màu cơ bản này với nhau sẽ cho ra màu mà chúng ta muốn.

Như vậy, #000000 sẽ tương ứng với màu đen còn #FFFFFF tương ứng với màu trắng. Thế nhưng xin đừng hỏi tôi giá trị của màu tím ánh bạc mộng mơ là gì vì tôi hoàn toàn chẳng thể biết được. Các bạn phải tự thử nghiệm để tìm ra nó.

! 1 vài chương trình xư lý ảnh như Photoshop, Gimp hay Paint.NET có thể dễ dàng chỉ ra cho chúng ta 1 màu sắc đang được sử dụng có mã thập lục phân là gì. Vậy nên chỉ việc sử dụng chúng và cắt dán mã kết quả vào tệp CSS của các bạn.

Và đây là cách mà chúng ta dùng mã thập lục phân để nói cho máy tính biết rằng đoạn văn bản cần được viết bằng màu trắng.

p {
    color: #FFFFFF;
}

! Đôi khi chúng ta cũng có thể viết tắt mã thập lục phân chỉ với 3 ký tự. Ví dụ #F9D sẽ tương đương với #FF99DD.

Sử dụng mã màu RGB

RGB nghĩa là gì ? Đây là viết tắt của cụm tiếng Anh Red-Green-Blue nghĩa là Đỏ-Xanh lục-Xanh lam. Giống như cách làm với hệ thập nhị phân, chúng ta chỉ ra cường độ của các màu đỏ, xanh lục và xanh lam trộn vào nhau để tạo ra màu chúng ta muốn.

? Chúng ta lại phải lằng nhằng với các màu cơ bản như lúc trước à ?

Đúng vậy, nhưng lần này chúng ta chỉ cần đến những chương trình sửa ảnh đơn giản như Paint của Windows là đủ rồi. Hãy làm theo từng bước sau :

  1. Khởi động chương trình Paint.
  2. Ấn nút thay đổi màu sắc nằm trên thanh công cụ
  3. 1 cửa sổ nhỏ mở ra. Trong vùng chọn màu bên phải, di chuyển con trỏ tới màu mà chúng ta định sử dụng. Giả sử chúng ta chọn màu hồng phấn. Hãy di động con trỏ tới vùng màu hồng phấn.
  4. Bên dưới vùng chọn màu sẽ hiện ra chỉ số tương ứng của các màu đỏ, xanh lục và xanh lam (trong trường hợp của chúng ta là 240-96-204). Chép các con số để sử dụng trong tệp CSS.
p {
    color: rgb(240,96,204);
}

Như các bạn có thể thấy, để dùng mã màu RGB, chúng ta chỉ cần gõ rgb(đỏ, xanh lục, xanh lam) trong đó thay đỏ, xanh lục, xanh lam với các giá trị tương ứng từ 0 tới 255.

Màu nền

Để chỉ định màu nền chúng ta muốn sử dụng, CSS cung cấp thuộc tính background-color. Cách sử dụng của thuộc tính này giống hệt với thuộc tính color mà chúng ta đã nói ở trên, nghĩa là dùng tên, mã thập lục phân hoặc mã RGB.

Nếu chúng ta muốn đặt màu nền cho cả trang web, chúng ta sẽ phải thao tác với thẻ <body>. Đúng vậy, thẻ <body> tương đương với toàn thể trang web nên khi thay đổi màu nền của thẻ này, chúng ta sẽ thay đổi màu nền chung của cả trang.

Hãy quan sát kỹ đoạn mã dưới đây.

body {
    background-color: black; /* Mau nen cua trang web la mau den */
    color: white; /* Van ban hien thi bang mau trang */
}

? Rõ ràng chúng ta chỉ yêu cầu hiển thị màu trắng với các văn bản trong thẻ <body>, làm thế nào mà cả văn bản ở trong thẻ <p><h1> cũng có màu này ?

Tôi sẽ nhân dịp này nói với các bạn về hiện tượng này. Thuật ngữ chuyên môn của nó là tính kế thừa. Hãy yên tâm, ở đây không hề có ai qua đời cả. laughing

CSS và tính kế thừa

Trong CSS, khi chúng ta áp dụng các thay đổi lên 1 thẻ, tất cả các thẻ con chứa bên trong nó cũng sẽ mặc định có cùng các thay đổi này.

Hãy quay lại ví dụ cụ thể bên trên của chúng ta. Như các bạn đã biết, thẻ <body> là thẻ chứa tất cả các thẻ khác (trong đó có <h1><p>) trong phần nội dung của trang web. Vậy nên khi chúng ta yêu cầu trình duyệt hiển thị màu trằng cho văn bản trong thẻ <body>,  các văn bản trong tiêu đề và khổ văn bản cũng sẽ được áp dụng thay đổi này. Hiện tượng này chính là cái tôi đã nhắc đến : tính kế thừa. Chúng ta cũng có thể nói các thẻ con “kế thừa” các thuộc tính của thẻ bên ngoài bao chứa nó.

! Đây cũng chính là nguồn gốc dẫn đến tên ngôn ngữ CSS, viết tắt của “Cascading Style Sheets”, dịch ra là định kiểu phân tầng. Các thuộc tính CSS sẽ được kế thừa theo tầng : các thẻ ở tầng dưới sẽ có cùng thuộc tính với các thẻ ở tầng trên.

? Vậy tất cả văn bản trong trang web của tôi sẽ bắt buộc phải hiển thị bằng màu trắng ư ?

Không hẳn. Như đã nói, đây chỉ là xử lý mặc định, nghĩa là nếu chúng ta không yêu cầu gì khác thì các văn bản đều sẽ hiện màu trắng. Trái lại, nếu trong phần sau của mã nguồn CSS, chúng ta yêu cầu viết các tiêu đề bằng màu đỏ thì trình duyệt sẽ chuyển sang hiển thị tiêu đề với màu đỏ.

Hãy chú ý là điều này xảy ra không chỉ với thuộc tính màu sắc mà tất cả các thuộc tính CSS đều được kế thừa.

Ví dụ tính kế thừa với thẻ <mark>

Nhiều người mới tiếp xúc nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể thay đổi màu nền của cả trang nội dung. Điều này là sai! Chúng ta có thể thay đổi màu nền của từng thành phần riêng biệt : từng tiêu đề, khổ văn bản, các cụm từ, vv… Trong các trường hợp đó, các đoạn văn bản này sẽ được hiển thị giống như chúng ta dùng bút nhớ dòng để đánh dấu chúng vậy.

Các bạn còn nhớ thẻ <mark> dùng để chỉ ra 1 cụm từ cần chú ý trong đoạn văn chứ ? Chúng ta sẽ làm 1 ví dụ với thẻ này.

<h1>Tối đen như mực</h1>
<p>Đừng <mark>hoảng loạn</mark>, bóng đêm không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ đâu!</p>

Mặc định thì cụm từ được chú ý sẽ hiển thị trên nền vàng. Chúng ta sẽ thay đổi xử lý mặc định này.

body {
    background-color: black;
    color: white;
}
mark {
    background-color: red;
    color: black;
}

Vậy là cụm từ cần chú ý bây giờ sẽ hiển thị trên nền đỏ. Trên thực tế, mặc dù chúng ta đã yêu cầu áp dụng nền đen cho cả trang, nhưng thuộc tính CSS nền đỏ lại có mục tiêu chính xác hơn nên được ưu tiên cao hơn.

Nguyên lý trên đúng khi áp dụng với tất cả các thẻ HTML và tất cả thuộc tính CSS.

Vậy nên nếu chúng ta yêu cầu :

  • Hiển thị khổ văn bản với cỡ chữ 1.2em
  • Hiển thị văn bản trong thẻ <strong> với cỡ chữ 1.4em

… thì sẽ không có xung đột gì cả. CSS quyết định là đối tượng được chỉ định bởi thẻ <strong> là mục tiêu chuẩn xác hơn sơ với khổ văn bản nói chung, nên sẽ áp dụng thay đổi cỡ chữ như yêu cầu hiển thị thẻ <strong>, đó là cỡ 1.4em.

Phông nền hình ảnh

Phần tiếp theo đây, chúng ta sẽ không dừng lại ở việc thiết lập phông nền bằng màu sắc mà sẽ sử dụng cả hình ảnh để làm nền. Cũng giống như phông nền sử dụng màu sắc lúc trước, phông nền hình ảnh không bắt buộc phải được áp dụng trên toàn bộ trang mà chúng ta có thể chỉ áp dụng trên các thành phần nhỏ.

Sử dụng hình ảnh làm phông nền

Thuộc tính cho phép chúng ta sử dụng hình ảnh làm phông nền là background-image. Để đưa ra giá trị cho thuộc tính này, chúng ta cần viết url('đường_dẫn_tới_hình_ảnh'). Ví dụ :

body {
    background-image: url('tuyet.png');
}

Chú ý là hình nền không bắt buộc phải mang định dạng PNG mà có thể là tệp JPEG hoặc GIF.

Đường dẫn tới vị trí của hình ảnh có thể là đường dẫn tuyệt đối (http://...) hoặc tương đối.

! Chú ý, khi sử dụng đường dẫn tương đối trong tệp CSS, vị trí ảnh phải là tương đối so với bản thân tệp CSS chứ không phải so với tệp HTML. Để đơn giản mọi thứ thì các bạn có thể đặt hình ảnh trong cùng thư mục với tệp CSS.

Các tùy chỉnh hình nền

Chúng ta có thể sử dụng nhiều thuộc tính khác để bổ sung các tùy chỉnh cho hình nền.

background-attachment : cố định hình nền

Thuộc tính CSS background-attachment cho phép chúng ta cố định vị trí hình nền.  Hiệu ứng nhận được sẽ tạo cho chúng ta cảm giác như là văn bản nội dung trượt trên hình nền. Thuộc tính này có thể nhận 2 giá trị :

  • fixed : hình nền sẽ cố định
  • scroll : hình nền trượt theo văn bản (mặc định)
body {
    background-image: url('tuyet.png');
    background-attachment: fixed;
}

background-repeat : lặp hình nền

Kích thước hình nền không phải lúc nào cũng bằng đúng kích thước trang web. Mặc định thì hình nền sẽ được lặp để chiếm hết không gian nền của trang web. Chúng ta sử dụng thuộc tính background-repeat để thay đổi mặc định xử lý này.

  • no-repeat : hình nền không lặp. Hình ảnh nền chỉ xuất hiện 1 lần trên trang.
  • repeat-x : hình nền lặp theo chiều ngang.
  • repeat-y : hình nền lặp theo chiều dọc.
  • repeat : hình nền lặp theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc (mặc định).
body {
    background-image: url('matTroi.png');
    background-repeat: no-repeat;
}

background-position : vị trí hình nền

Chúng ta có thể chỉ định vị trí cho hình nền nhờ thuộc tính background-position.Thuộc tính này chỉ có nghĩa khi đi cùng với background-repeat : no-repeat;.

Mặc định thì hình ảnh nền nằm ở góc trên bên trái của trang. Thuộc tính background-posittion nhận vào giá trị là cặp tọa độ vị trí chúng ta muốn đặt hình nền tính theo điểm ảnh so với góc trên bên trái đó.

background-position: 30px 50px;

… sẽ đặt hình nền cách cạnh trái 30 đơn vị và cách cạnh trên 50 đơn vị điểm ảnh. Chúng ta cũng có thể sử dụng các giá trị vị trí :

  • top : sát cạnh trên
  • bottom : sát cạnh dưới
  • left : sát cạnh trái
  • right : sát cạnh phải
  • center : căn giữa

Chúng ta thậm chí có thể kết hợp các giá trị này với nhau theo kiểu :

background-position: top right;

Vậy là, nếu tôi muốn hiện hình nền là hình mặt trời, cố định ở góc trên bên phải và không lặp lại thì sẽ cần đoạn mã như sau :

body {
    background-image: url('matTroi.png');
    background-attachment: fixed;
    background-repeat: no-repeat;
    background-position: top right;
}

Kết hợp thuộc tính

Nếu chúng ta cần dùng nhiều thuộc tính kết hợp như ví dụ bên trên, chúng ta có thể sử dụng các thuộc tính phức hợp như background. Thuộc tính này nhận vào giá trị là sự kết hợp các giá trị của các thuộc tính vừa được nhắc đến ở trên : background-image, background-repeat, background-attachmentbackground-position.

Chúng ta có thể viết đơn giản như sau :

body {
    background: url('soleil.png') fixed no-repeat top right;
}

Đây là thuộc tính phức hợp đầu tiên mà tôi giới thiệu cho các bạn. Thế nhưng nó không phải là duy nhất. Khi thao tác với các thuộc tính loại này, chúng ta cần chú ý :

  • Thứ tự các giá trị không quan trọng. Chúng ta có thể đặt chúng theo bất cứ trình tự nào.
  • Không bắt buộc phải đưa ra tất cả các giá trị. Ví dụ như chính ta ở trên chúng ta có thể bỏ giá trị fixed đi mà không gặp bất cứ vấn đề gì.
Nhiều hình nền

Bắt đầu từ phiên bản CSS3, chúng ta đã có thể xác lập nhiều hình nền cho cùng 1 đối tượng. Để làm vậy chỉ cần ngăn cách chúng với nhau bởi dấu , là đủ.

body {
    background: url('matTroi.png') fixed no-repeat top right, url('neige.png') fixed;
}

Hình nền nào đứng trước thì sẽ nằm trên hình nên đứng sau. Chú ý là thứ tự hình nền trong giá trị ở đây là khá quan trọng. Nếu chúng ta đổi chỗ 2 đường dẫn hình nền trong giá trị thì chúng ta sẽ không nhìn thấy hình nên mặt trời nữa do bị hình nền tuyết che khuất.

Tính năng nhiều hình nền hoạt động trên hầu khắp các trình duyệt trừ các phiên bản cũ của IE (các phiên bản trước IE9).

! Như đã nói thì hình nền không chỉ được sử dụng cho toàn trang (thẻ <body>) mà còn được sử dụng cho bất cứ loại thẻ nào khác, dù là thẻ tiêu đề hay khổ văn bản,… Để tập luyên thì các bạn có thể thử thiết lập hình nền cho các tiêu đề trong trang web để quan sát và phân tích. Tôi chắc rằng các bạn sẽ nhanh chóng quen dần và tạo ra được những hình nền đẹp mắt cho trang cá nhân của mình.

Hiệu ứng hiển thị trong suốt

CSS cho phép chúng ta thoải mái chơi đùa với hiệu ứng trong suốt của các thành phần. Thuộc tính giúp chúng ta thực hiện xử lý này là opacity và khái niệm RGBa.

Thuộc tính opacity

Cách sử dụng thuộc tính opacity rất đơn giản. Nó nhận vào giá trị ứng với mức độ đục (opacity), khái niệm đảo của độ trong suốt, của thành phần.

  • Với giá trị 1, đối tượng không hề có chút nào trong suốt. Đây là giá trị mặc định.
  • Giá trị 0 tương đương với việc đối tượng hoàn toàn trong suốt.

Vậy nên chúng ta phải chọn ra 1 giá trị chúng ta muốn giữa 0 và 1. Ví dụ với giá trị 0.6 chẳng hạn, chúng ta sẽ có độ đục là 60%… và có thể bắt đầu nhìn xuyên thấu qua đối tượng.

p {
    opacity: 0.6;
}

Và dưới đây là ví dụ thực tế sử dụng đến hiệu ứng trong suốt.

body {
    background: url('tuyet.png');
}

p {
    background-color: black;
    color: white;
    opacity: 0.3;
}

Hiệu ứng trong suốt hoạt động trong tất cả các trình duyệt thế hệ mới, trong IE từ phiên bản 9.

! Nếu các bạn sử dụng thuộc tính opacity trên 1 thẻ thì tất cả nội dung của thẻ đó, bao gồm văn bản, hình ảnh cũng như tất cả các thẻ con của nó đều sẽ trở nên trong suốt. Nếu các bạn chỉ muốn nền của đối tượng trong suốt, vậy sẽ cần dùng đến khái niệm RGBa chúng ta sẽ nói tới đây.

Khái niệm RGBa

1 tính năng khác của CSS3 cho phép chúng ta làm việc với hiệu ứng trong suốt, đấy là RGBa. Khái niệm này có quan hệ mật thiết với mã RGB mà chúng ta đã cùng thảo luận ở trên, nhưng thêm 1 tham số thứ 4, đó là độ trong suốt (thuật ngữ đồ họa gọi là “kênh alpha”). Giống như giá trị dành cho thuộc tính opacity bên trên, giá trị 1 của tham số này dành cho đối tượng không trong suốt và các giá trị nhỏ hơn 1 dành cho các mức độ trong suốt khác nhau.

p {
    background-color: rgba(255, 0, 0, 0.5); /* Phong nen mau do, trong suot 50% */
}

Quá đơn giản. Chúng ta nhận được kết quả giống y hệt như như những gì đạt được với thuộc tính opacity.

Khái niệm này sử dụng được trong tất cả các trình duyệt mới, IE bắt đầu từ phiên bản 9. Với các trình duyệt cũ, khuyến cáo là nên thêm hiệu ứng RGB cổ điển bên cạnh hiệu ứng RGBa để đảm bảo ít nhất dù thành phần không có nền trong suốt thì cũng có 1 màu nền xác định.

p {
    background-color: rgb(255,0,0); /* Danh cho trinh duyet cu */
    background-color: rgba(255,0,0,0.5); /* Danh cho trinh duyet the he moi */
}
Tóm tắt bài học :
  • Chúng ta có thể thay đổi màu của văn bản bằng cách sử dụng thuộc tính color và thay đổi màu nền với thuộc tính background-color.
  • Với thuộc tính màu sắc, giá trị đưa ra có thể là tên màu (black), mã màu trong hệ thập lục phân (#F386A3) hoặc mã RGB (rgb(255,255,0)).
  • Chúng ta sử dụng hình ảnh làm phông nền nhờ thuộc tính background-image. Chúng ta có thể tùy chỉnh để hình nền cố định, lặp nhiều lần và xác định vị trí trong trang web.
  • Chúng ta thao tác với hiệu ứng trong suốt sử dụng thuộc tính opacity hoặc khái niệm mã RGBa ( tương tự như mã RGB nhưng thêm 1 tham số thứ 4 để xác định độ trong suốt).